Được mất khi xem lén điện thoại của người yêu? Không đơn giản là sự tò mò, xem trộm điện thoại của người yêu có thể gây hại đến mối quan hệ.
Không ít người nảy sinh ham muốn kiểm tra điện thoại của người yêu khi thấy chúng để một góc và không có mật khẩu. Nguyên nhân là bởi họ muốn thỏa mãn sự tò mò hoặc muốn tìm hiểu những bí mật trong điện thoại của đối phương.
Được mất khi xem lén điện thoại của người yêu?
Tiến sĩ Ernesto Lira de la Rosa, nhà tâm lý học kiêm cố vấn cho Tổ chức nghiên cứu Hy vọng về trầm cảm có trụ sở tại New York, cho biết hành vi này là điều bình thường.
Trên thực tế nhiều người có từng thử việc kiểm tra tin nhắn, album ảnh, email hoặc lịch sử internet riêng tư của người yêu.
Lý do dẫn đến các việc làm trên có thể do từng bị người yêu làm tổn thương và tin rằng việc kiểm tra tin nhắn sẽ giúp lấy lại niềm tin đã mất. Trong một số trường hợp khác họ đơn giản xuất phát từ việc tò mò và nghĩ rằng việc nhìn trộm một chút chẳng nguy hại gì.
Nhưng trên thực tế, hành động này gây ra nhiều vấn đề.
Tiến sĩ Lira nói mỗi cá nhân không thể yên tâm hơn sau khi xem lén điện thoại của người yêu. Đặc biệt nếu không tìm thấy điều gì đáng ngờ, cảm giác tội lỗi có thể sinh ra vì họ đã xâm phạm quyền riêng tư.
Trong trường hợp phát hiện điều khả nghi, chẳng hạn như thấy tin nhắn từ một số điện thoại lạ, nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu, lo lắng và muốn tiếp tục xem lén. Điều này vô tình biến họ trở thành người có chứng ám ảnh cao.
“Tâm lý bình thường của mỗi người luôn muốn giữ một số thứ riêng tư như cuộc trò chuyện với bạn bè hay những bức ảnh selfie. Việc người yêu từ chối cho xem điện thoại không đồng nghĩa với việc họ che giấu điều gì”, tiến sĩ Lira nói. Nữ chuyên gia cũng khẳng định ngay cả khi nửa kia từng nói dối hay ngoại tình, việc đa nghi và liên tục theo dõi họ sẽ khó cải thiện được mối quan hệ.
Chưa kể, nếu hành vi bị phát hiện sẽ phá vỡ sự tin tưởng, khiến đối tác thất vọng, buồn bã, thậm chí đòi chia tay.
Làm thế nào để giải quyết?
Thay vì tiếp tục thỏa mãn ham muốn kiểm tra điện thoại của người yêu, tiến sĩ Lira khuyên mỗi cá nhân nên tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa từ hành vi này. Đơn cử như việc chúng ta cảm thấy bất an, lo lắng bởi đối phương không quan tâm đến mình. Hay nhiều người trở nên đa nghi vì đối tác từng ngoại tình tư tưởng. Hoặc chính bản thân bạn quá đa nghi, nảy sinh suy nghĩ không thực.
“Chỉ khi hiểu rõ được nguồn gốc của những nghi ngờ, vấn đề sẽ được giải quyết bằng việc giao tiếp cởi mở”, chuyên gia nói.
Tiến sĩ Lira gợi ý chúng ta có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng lời mở đầu “Em biết điều này nghe có vẻ cực đoan nhưng đôi khi em thấy lo lắng về mối quan hệ của chúng ta và sợ rằng anh sẽ rời xa” hoặc “Em biết chúng ta đã cởi mở với nhau nhiều hơn nhưng em không vượt được nỗi lo lắng anh gần gũi với người khác giới”.
Sau trò chuyện thẳng thắn, bước tiếp theo là cùng nhau tìm ra cách giải quyết để có thể hài lòng cả hai. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên cần có những thỏa hiệp hợp lý để xây dựng lại niềm tin.